Part 4: Nắng xứ Huê

Mình cũng có chút tính toán để lựa chọn thời gian này, đầu tiên phải nói là tầm cuối tháng 5 là thời gian mình đỡ việc nhất, mình làm việc có liên quan đến sự kiện trường học, trường mầm non nên tầm này là lúc các trường vừa tổng kết cuối năm xong, đang chờ nghỉ hè nên cũng đỡ việc, cái nữa là thời điểm tháng 5 kể ra thì cũng nóng, nhưng chưa phải nóng nhất như các tháng phía sau. Tháng 9 tháng 10 sẽ là thời điểm dễ chịu nhất để vi vu, vừa mát vừa đẹp, nhưng lại là ngày bắt đầu năm học mới rồi, năm nay hay 12 năm tiếp theo cũng vậy, nên sẽ khó cho con thị Cáo, đi tầm này cũng tránh được lượng khách du lịch đi nghỉ hè các kiểu, lại vừa tránh được mùa mưa bão. Thôi thì trăm bề thứ tiện lợi, nhưng nói thật, không tiện thì mình vẫn cứ đi, không thể hoãn cái sự sung sướng này lại được.  

Đi lấy chiến mã thân yêu thôi nào

Vào ngày thứ 2 của cuộc hành trình, theo kế hoạch mình sẽ lấy xe máy và sửa sang lại một số chi tiết, lắp đặt các phụ kiện cuối cùng để sẵn sàng cho chuyến đi, việc này làm cũng nhanh thôi, đồ nghề mình vác đủ cả rồi, vác hẳn 1 cái bát phanh trước của xe từ Hà Nội vào để thay  cho kịp. Sáng sớm tinh mơ, mặc mẹ mặc con đang nằm chỏng quèo trên giường, người anh hùng của chúng ta, là mình ý, đã rũ chăn đứng dậy sáng lòa, bắt một chú Grab phi thẳng ra ga Huế để lấy xe, ga Huế gần trung tâm lắm, đi qua cái cầu là đến, nhìn thấy con xe máy thân yêu đang nằm im lìm trong khung gỗ như đang gầm gừ “Bố chờ mày lâu lắm rồi”. Mình vội hò chú gác kho “Nhanh nhanh mở cũi cứu bạn cháu”. Chú mở nhanh thật, tiện xin 50k tiền tháo khung.

Xe máy đi tàu hỏa, bao giờ cũng bị tháo hết xăng trong bình để đề phòng cháy nổ, vì thế trước cửa các ga tàu thường hay có đội ngũ gian thương bán chai xăng với giá thường khoảng 50k/lít, xe nào ra chả phải đổ 1 lít để chạy đến trạm xăng, nhưng cái con xe thồ của mình thì khác, chả hiểu nó chứa xăng lén ở đâu mà bao giờ phi từ ga ra cũng phải đi được 3 4 km nữa mới tịt, lần này cũng vậy, mình lượn được thêm 3km đến trạm xăng, mạnh miệng hô đầy bình rồi lụi cụi sửa sang lại xe cộ cho trọn vẹn. Phóng con xe hầm hố với cái tên đáng yêu Tiny Fox lướt vèo vèo qua các em gái xứ Huế cảm thấy như tuổi thanh xuân phơi phới tràn ngập trong từng hơi thở. Nhưng cái sự phơi phới đấy cũng chỉ kéo dài đến 9h sáng thôi, sau 9h sáng, vẫn là phơi, nhưng mà là phơi nắng.

Bon bon trên cầu nào đó


Ngày bọn mình bắt đầu đi, người biết chuyện  mà có chút cảm tình cảm thông thì khuyên nhủ bảo mình rút lui đi, lại khổ con bé, người ít cảm thông thì thở dài ngao ngán: “Rõ dở rồ”. Kể ra thì cũng hơi rồ hoa mướp thật, mấy hôm đó trời nắng dát vàng cả miền Bắc, người thường bảo đi ra ngoài còn phải bận quần áo lên quần áo xuống, đây thì đòi dãi thẻ ra đi dọc miền Trung nắng gió, nên ai bảo mình dở rồ, mình chỉ khẽ mỉm cười thật thà “Cháu thật ra tâm thần đấy ạ”. 


Cái nắng xứ Huế, ui dùi ui, quả là một sự kì diệu của tạo hóa, nếu đi vào giữa hè, bạn có thể mặc cái quần đùi ướt ra đường nhảy hết 1 bài nhạc là có quần đùi khô. Nên là dân Huế thường đi ngoài đường đông đúc vào buổi sáng là thế, nhưng đến qua 9h là đường phố vắng hẳn đi, mọi người tìm chỗ trú hết rồi. Nhưng với cái lũ dở người như nhà mình thì 9h sáng chúng mình mới bắt đầu mò ra đường sau khi vật nhau với mấy bát bún bò Huế to như cái chậu. Lại nói về ăn uống thì chắc xứ huế nổi tiếng nhất với món bún bò Huế, bát bún đã to, miếng tiết lại càng to, và cuối cùng là khúc chân giò vật vã ngã ngửa sẽ lấp đầy mọi chiếc bụng đói, ở những phố du lịch thì mấy hàng bún bò nhiều không kể hết, mà quán nào cũng nổi cả, quán bún thường gắn với tên người bán luôn. Một bữa sáng với tô bún bò là đủ năng lượng cho cả ngày hoạt động.


Bún bò Huế luôn là thương hiệu bà nào đó

Lang thang trước cổng Đại Nội

Điểm ăn chơi đầu tiên của nhà mình là khu đại nội, nôm na thì nó chính là cung điện chính của vua chúa khi xưa, nhìn từ ảnh vệ tinh thì khu này rất hoành tráng, tứ bề hào sâu, tường thành vuông vức, cảm giác ngày xưa không biết bao nhiêu dân phu đào bới xây dựng mới ra được cái khu đại nội này. Tại cổng chính khu đại nội sẽ có bán vé thăm quan cho khu đại nội và các lăng xung quanh thành phố. Giá vé tương đối chát, nếu đi riêng đại nội là 200k/người, nếu đi các combo như đại nội + 2 đến 3 lăng thì giá vé sẽ khác nữa (nhưng rẻ hơn là mua lẻ). Bọn mình mất 840k cho 2 người lớn đi combo đại nội + 2 lăng Tự Đức và Khải Định, dùng trong 2 ngày, con Cáo trẻ con đít xanh dưới 6 tuổi nên được miễn phí, cũng là một lí do hợp lí khi cho nó đi từ bây giờ. 

2 con thị màu - phía sau là Kì Đài

Ở Huế thì có nhiều lăng tẩm xung quanh thành phố, nôm na thì đây là nơi các đời vua chúa chết thì chôn tại đó, vua thích đồi hay hồ nào thì sẽ chỉ định xây lăng ở đó, đến lúc chết là tự động nhập lăng luôn. Có 3 khu lăng chính đẹp nhất, đông người đi nhất là lăng Minh Mạng, lăng Khải Định và lăng Tự Đức. Mỗi lăng mỗi vẻ đẹp riêng và đều cổ kính rêu phong đúng chuẩn nét Huế.

Nói tiếp về khu đại nội, lỡ có bạn nào người Huế thì đừng cười, chứ bọn mình đi vào đây lần đầu nên ngố lắm, thấy một chú lái xích lô ra mời đi, mình ngẫm nghĩ, chắc khu đại nội này rộng lắm, con thị Cáo đi bộ nắng khéo lại mệt, nay cho nó đi xích lô trải nghiệm cho biết, đến đâu lại được xuống thăm thoải mái thì cũng tiện, lấy thời gian đi chỗ khác nên gật đầu đi luôn, ai dè hóa ra đếch phải, các chú xích lô sẽ chở bạn đi xung quanh, mấy điểm gì gì đó quanh khu đại nội chứ hoàn toàn không đặt chân vào đại nội, đến khi nhận ra vấn đề thì mình đã đi một đoạn rồi, thế là mình mất 250k chỉ để đi một vòng quanh tường ngoài đại nội, điểm dừng cuối vẫn chỉ là... cái cổng chính. 

Chuyến xích lô hơi lãng phí


Bỏ qua cái sự thiếu hiểu biết dẫn đến mất tiền oan như vậy thì khu Đại Nội rất đáng để thăm quan và khám phá, và nếu có thời gian thì các bạn nên đi vào sáng sớm, khi mọi thứ còn mát mẻ. Trong này rất rộng với nhiều công trình, kiến trúc cổ kính, tiêu biểu như điện Thái Hòa, cung Diên Thọ, cổng Ngọ Môn, nhà Hát Nguyệt Thị Đường, Điện Kiến Trung, trong đó lên tường thành ngắm cổng Ngọ Môn là sướng nhất, vì trên đó gió thổi mát. Diễn giải nôm na về các công trình này theo kiểu dân dã thì nó các khu ở, làm việc của vua chúa, hoặc khu nhà hát, sân vườn cho vua đi chơi đi dạo, mình trộm nghĩ, rộng thế này lắm khi vua muốn đi thăm bạn bè, người thân cũng mỏi chân lắm đây. Nhìn sang đôi chân ngắn ngủi của con mình, mình lại thấy xót xa, mình đi một bước thì nó phải đi 2 bước mới vừa, ấy thế mà con thị Cáo cứ vừa đi vừa ôm bình nước, lâu lâu lại tu ừng ực, mặt mũi đỏ gay nhưng chả kêu gào tiếng nào, cứ thế phăm phăm chạy hết góc này góc nọ. 


Bố con cháu ngồi hóng mát trên cổng Ngọ Môn

Cổng các khu điện rất đẹp luôn

Chỗ này cổ kính, làm phát ảnh ngon lành

Thi thoảng sẽ có nhiều em gái chụp ảnh cổ trang xung quanh đây

Công chúa Cáo và ả a hoàn


Xem ca kịch theo phong cách vua chúa

Con này vừa đi vừa tu nước chả mấy hết chai


Cửa Hiền Nhơn, nơi du khách ra về

Nếu các bạn nào đam mê chụp ảnh, thì khu Đại Nội này sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian, nhất có thêm vài bộ quần áo cổ trang thì cứ phải gọi là cung kính muôn tâu bệ hạ luôn. 

12h nhà mình mới lết ra cổng để về nhà trú nắng. 

Nói về cái sự ở tại Huế cũng không đơn giản, ban đầu mình đặt cái khách sạn tên là Amona tại mặt đường nhưng phòng bé tí, cảm giác không thoáng lắm, nên lúc trưa về bọn mình vòng ra cái ngõ ngay phía sau Amona để đặt khách sạn Four Seasons hotel luôn, phòng rộng hơn hẳn mà giá cũng tương đương, lại có cửa sổ và ban công thoáng. Sẵn tiện mình vứt luôn con Cáo ở đó để 2 bố mẹ phóng về khách sạn cũ để lấy đồ đạc, khách sạn cũ cũng không có vấn đề gì ngoài việc phòng hơi bé, dù check out muộn quá 30 phút nhưng vẫn không bị tính thêm phí, nói chung người dân ở Huế cảm giác rất lành và vui vẻ.  



Bữa cơm trưa với món cơm Hến cũng là một đặc sản xứ Huế mộng mơ, dù quả thật mình không biết ở đâu ra mà lắm hến để làm cơm thế. 

Mình dành buổi chiều cho một chút công việc:  khảo sát trường mầm non trong Huế, cũng không có gì đáng nói ngoài việc nắng zãi cức làm mọi thứ khô nứt nẻ, nhưng người dân cho biết, chỉ cần một trận mưa là mọi thứ ngập hủm ngay. Nói về mưa ở Huế thì người ta hay ví là buồn như chó cắn, mưa ở Huế lúc vào mùa thì cứ sụt sùi, rả rích, lê thê và lan man, bạn nào thất tình vào Huế ngày mưa thì khóc hết mấy lít nước mắt cũng chưa hết buồn. Nếu vào Huế mà vào mùa mưa thì chúc mừng bạn, bạn đã trúng một chuyến du lịch quanh phòng ngủ. 

Chúng em đi chơi trường mầm non Thảo Nguyên Xanh - trường to nhất ở Huế

Tối hôm đó là một trải nghiệm tại phố đi bộ (dù hôm đó không mở phố) khu phố này sầm uất và nhiều hàng quán lắm, thấy bảo cuối tuần là nhạc nhẽo ầm ầm luôn, nhưng dù là khu phố sầm uất nhất xứ Huế thì cũng rất êm đềm yên ả so với các thành phố du lịch khác. Cái cảm giác yên bình ngồi bú trà chanh này nó không phù hợp lắm với những đứa đang hừng hực khí thế như gia đình nhà mình, nên sau vài tuần trà nước là nhà mình đã lang thang ngay ra chợ Đông Ba để xem cái khu chợ nổi tiếng này thế nào, tiện thể vòng qua ăn lấy ăn để mấy món bánh xèo bánh bèo bánh lọc tại quán Bà Đỏ. Buổi tối ở Huế, thì cứ bò ra sông ngắm nhìn cầu Trường Tiền đổi màu là thích rồi, vừa mát vừa vui mắt, mà niềm vui gia đình nó giản dị thế thôi. Vớ vẩn thế mà 11h đêm mới mò về khách sạn đấy.

Mấy khi được đến chợ Đông Ba

Quán bánh bà Đỏ, rất nổi ở Huế

Ngồi chơi ngắm cầu Trường Tiền đổi màu

Ngắm Kì Đài vào buổi tối, bên dòng sông mát mẻ, phê chữ ê kéo dài

Những thanh niên nghiêm túc bên dòng sông Hương






Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Part 3: Ngày đầu tiên - Xứ Huế

Part 1: LÚC ĐANG YÊN ĐANG LÀNH...